BÀN THÊM VỀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI Ở VIỆT NAM (PGS. TS. NGUYỄN MINH ĐOAN)

Đoạn trích trong bài:

“… Như vậy, xét về nội dung, hình thức và mục đích thì hoạt động phản biện có nhiều điểm tương đồng với đóng góp ý kiến, kiến nghị. Bởi đóng góp ý kiến và kiến nghị cũng thể hiện ở việc chủ thể đóng góp ý kiến, kiến nghị có thể nêu ra các quan điểm, ý kiến, đề nghị của mình (có thể bằng văn bản và cũng có thể bằng lời nói) về các vấn đề mà họ quan tâm hoặc có ảnh hưởng đến lợi ích của họ và/hoặc lợi ích chung của xã hội. Phản biện và đóng góp ý kiến, kiến nghị đều trên tinh thần xây dựng với mục đích làm cho công trình, dự án hay hoạt động nào đó được tốt hơn, hoàn thiện, phù hợp hơn… trong tương lai. Tuy vậy, phản biện và đóng góp ý kiến, kiến nghị cũng có những điểm khác biệt nhất định cần được làm rõ đó là:

– Đóng góp ý kiến, kiến nghị có thể được tiến hành theo yêu cầu song cũng có thể là sáng kiến đơn phương của chủ thể quan tâm hoặc có lợi ích liên quan đến vấn đề và không có tính chất bắt buộc (chủ thể có thể đóng góp ý kiến, kiến nghị và cũng có thể không đóng góp ý kiến, không kiến nghị), tác giả của đối tượng được đóng góp ý kiến, kiến nghị có thể tiếp thu ý kiến đóng góp, kiến nghị và cũng có thể không tiếp thu. Còn phản biện là hoạt động được tiến hành theo yêu cầu (theo đơn đặt hàng của những chủ thể nhất định), do vậy, chỉ chủ thể được yêu cầu phản biện mới có quyền phản biện và hoạt động phản biện trong trường hợp này phải được tiến hành một cách bắt buộc (chủ thể được yêu cầu phản biện nếu không từ chối thì phải có nghĩa vụ thực hiện phản biện theo yêu cầu). Ý kiến của chủ thể phản biện trong những trường hợp nhất định có thể có ý nghĩa bắt buộc đối với tác giả của đối tượng phản biện, họ phải giải trình hoặc phải tiếp thu và hoàn thiện đối tượng phản biện trong tương lai theo yêu cầu của chủ thể phản biện.

– Nếu đóng góp ý kiến, kiến nghị chỉ là nêu lên quan điểm hoặc những yêu cầu mà chủ thể cho là đúng, là phù hợp mà không cần phải đưa ra các luận cứ khoa học để chứng minh cho sự đúng đắn của các ý kiến, kiến nghị của mình thì phản biện ngoài việc nêu ra các ý kiến, quan điểm của mình, chủ thể phản biện còn phải đưa ra những luận cứ khoa học (lí luận và thực tiễn) để minh chứng cho các quan điểm đó, đặc biệt là khi đưa ra những luận điểm nhằm phản bác, phê phán những sai sót, hạn chế của các luận điểm trong đối tượng mà mình phản biện. Điều này cho thấy hoạt động phản biện có giá trị khoa học cao hơn, phải được tiến hành cẩn thận, chặt chẽ và khoa học hơn so với việc đóng góp ý kiến hoặc kiến nghị.

– Nếu trong đóng góp ý kiến và kiến nghị, tác giả của đối tượng được đóng góp ý kiến, kiến nghị có thể không bắt buộc phải phản hồi lại các ý kiến còn đối với hoạt động phản biện thì tác giả của đối tượng phản biện buộc phải phản hồi ý kiến của chủ thể phản biện (tiếp thu, đồng tình hay phản bác) và các bên thường có sự trao đổi, tranh luận với nhau để đi đến những ý kiến, quan điểm thống nhất mà các bên cho là phù hợp.

Như vậy, so với hình thức góp ý kiến, kiến nghị thì phản biện có tính tổ chức, tính bắt buộc cao hơn, có nội dung và quy trình tiến hành chặt chẽ, khoa học hơn. Điều này cũng đòi hỏi chủ thể phản biện phải có năng lực nhất định, phải có thời gian và sự chuẩn (tr. 4) bị chu đáo, công phu mới có thể thực hiện được việc phản biện một cách chính xác, khoa học và hiệu quả…   

… Ở Việt Nam những năm gần đây trong lí luận và thực tiễn người ta thường nói nhiều đến “phản biện xã hội”, đặc biệt là phản biện đối với các hoạt động của đảng cầm quyền và nhà nước trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách, xây dựng các văn bản pháp luật, quyết định các dự án, các quyết sách lớn liên quan đến lợi ích, sự phát triển của đất nước. Chẳng hạn, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức cán bộ”.[1] Nghị quyết cũng đề nghị: “Nhà nước ban hành cơ chế để mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.[2] Chủ trương trên của Đảng đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, các cơ quan của Nhà nước, tổ chức mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội khác và các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như sự chú ý từ các tổ chức quốc tế và các lực lượng ở ngoài nước. Điều này cũng minh chứng cho quá trình dân chủ hoá đời sống nhà nước và xã hội đã và đang diễn ra trên đất nước ta hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Vì vậy, thời gian qua có nhiều cuộc thảo luận, tranh luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến phản biện xã hội như đối tượng phản biện, giá trị, tác dụng của phản biện xã hội…

Phản biện xã hội, đương nhiên là phản biện từ phía xã hội, các chủ thể phản biện ở đây được xem là các tổ chức phi nhà nước (tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức thuộc xã hội dân sự…), các cộng đồng dân cư (làng xã, khu dân cư, vùng dân cư, các dân tộc…), các nhóm lợi ích xã hội (nhóm xã hội có chung lợi ích như thanh niên, phụ nữ, trẻ em, người già…), các cá nhân.

Đối tượng phản biện xã hội là các hoạt động của Đảng và Nhà nước, mà cụ thể là: Việc hoạch định và tổ chức thực hiện những đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng, kể cả đối với công tác tổ chức cán bộ; các kế hoạch hoạt động và công tác tổ chức thực hiện những chính sách, các dự án pháp luật, các quyết định lớn của Nhà nước có ảnh hưởng lớn tới môi trường sống, (tr. 5) tới lợi ích của nhiều người, cần phải cân nhắc, tính toán thật kĩ lưỡng trước khi tiến hành. Không thuộc đối tượng phản biện là những nghị quyết của Đảng, những quy định pháp luật của Nhà nước đã có hiệu lực thi hành; những dự án, chương trình thuộc phạm vi bí mật quốc gia; những quyết định và hành vi của các cơ quan hành chính và tư pháp.

Chủ thể yêu cầu phản biện là những tổ chức, cơ quan, cá nhân quản lí, sử dụng hoặc sáng tạo những đối tượng cần phản biện.

Nội dung phản biện phải theo yêu cầu của chủ thể yêu cầu phản biện, do vậy, tuỳ theo đối tượng cần đưa ra phản biện mà đặt ra yêu cầu vấn đề nào cần phản biện cho chủ thể phản biện.

Phản biện xã hội có nhiều điểm tương đồng với phản biện khoa học song cũng có những điểm khác nhau nhất định. Theo tác giả Nguyễn Xuyến thì điểm khác biệt hết sức quan trọng giữa phản biện xã hội và phản biện khoa học là: “Phản biện khoa học về bản chất là khách quan, không có tính giai cấp. Phản biện xã hội bên cạnh thuộc tính khoa học, có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Phản biện xã hội không phải lúc nào cũng dựa trên cơ sở lập luận khoa học thuần tuý và các yếu tố quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện”.[3]Do vậy, việc sử dụng những kết quả đánh giá phản biện xã hội phải hết sức cẩn thận, phải luôn đặt lợi ích lâu dài của nhân dân, của đất nước lên trên hết (tr.6)…”

PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan, “Bàn thêm về phản biện xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 3/2011, tr. 3 – 9


[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 135.

[2] Đảng cộng sản ViệtNam, Tlđd,  tr. 124.