THAM NHŨNG NGHIÊM TRỌNG, CHƯA ĐƯỢC ĐẨY LÙI

“Tính chất nghiêm trọng được thể hiện là nó diễn ra một cách phổ biến ở hầu hết mọi ngành nghề, mọi địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, quản lý hành chính, giao thông, các ngành liên quan đến đào tạo con người hay cứu giúp con người như giáo dục, y tế, chính sách xã hội; các ngành bảo vệ pháp luật như công an, kiểm sát, toà án v.v…

Tính nghiêm trọng còn thể hiện ở số lượng (chỉ tính ở số đã được phát hiện, xử lý), và “chất lượng” các vụ tham nhũng. Xin nêu một số vụ điển hình như: vụ tham nhũng đất công ở Đồ Sơn, Hải Phòng với 8 bị cáo phải ra hầu toà (trong đó có những cán bộ chủ chốt của ngành tài nguyên môi trường Đồ Sơn và Hải Phòng và cán bộ đảng, chính quyền thị xã Đồ Sơn; hàng loạt vụ án tham nhũng liên quan đến đất đai xảy ra ở nhiều nơi khác, như Bến Cát, Bình Dương, ở thị xã Sơn La… mà quy mô và tính chất nghiêm trọng không kém gì vụ Đồ Sơn, Hải Phòng; vụ bê bối tại Ban điều hành Dự án tin học hoá cải cách hành chính giai đoạn 2001-2005 do nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm trưởng ban (Dự án 112) với 200 tỉ đồng đã bị thất thoát và làm trái, tương đương 20% tổng kinh phí đã sử dụng cho đề án; vụ “tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ” với các bị cáo là Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Điện Biên, Trưởng ban quản lý xây dựng tượng đài, Giám đốc Công ty mỹ thuật trung ương; vụ Lương Cao Khải, Vụ phó Vụ thanh tra kinh tế 2, nguyên Trưởng đoàn thanh tra các dự án tại Tổng Công ty dầu khí Việt Nam, đã nhận của các đối tượng thanh tra 13.500 USD và 200 triệu đồng; vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc Sở giao thông công chính, Giám đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông – Tây và môi trường nước TP Hồ Chí Minh, đã nhận hối lộ 262.000 USD của nhà thầu tư vấn thiết kế PCI của Nhật Bản; vụ ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ăn chơi sa đoạ, trác táng suốt 5 năm (từ 2005 đến 2010), bị lôi ra ánh sáng, bị cách mọi chức vụ Đảng, chính quyền…

Trên đây chỉ là một số vụ tiêu biểu trong hành trăm, hàng ngàn vụ việc tham nhũng mà đã, hoặc chưa bị phát giác, chưa bị xử lý để mọi người hình dung ra tính chất “nghiêm trọng, kéo dài, chưa bị đẩy lùi” ở nước ta…

… Theo báo cáo, trong 4 năm (2007-2010), cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 39 trường hợp, xử lý hành chính 212 trường hợp… Theo số liệu của 63 tỉnh thành phố, trong nhiệm kỳ qua, có 2.494 đảng viên, cấp uỷ viên tại các đảng bộ tỉnh, thành phố bị thi hành kỷ luật do liên quan đến tham nhũng lãng phí…

… Hiệu quả phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn hạn chế. Có 12 tỉnh, qua cả nhiệm kỳ 5 năm không phát hiện, chuyển cơ quan điều tra vụ nào để xử lý hình sự. Với những vụ án đã phát hiện thì quá trình tố tụng kéo dài, hồ sơ trả lại nhiều lần; một số vụ cho hoãn xử, đình chỉ quá nhiều bị can; có hiện tượng lạm dụng tình tiết đã bồi thường, khắc phục hậu quả, nhân thân tốt để xử lý hành chính hoặc cho hưởng án treo. Một số vụ có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng hoặc có yếu tố nước ngoài chậm được xem xét, kết luận. Số vụ bị phát hiện, xử lý hình sự có xu hướng giảm dần, năm sau ít hơn năm trước, cho thấy hiện tượng thiếu quyết tâm đấu tranh, tâm lý ngán ngại va chạm…”

TS. Nguyễn Quốc Sửu, “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay”, Nghiên cứu lập pháp, số 6 (191) tháng 3/2011, tr. 32-40.

(TS. Nguyễn Quốc Sửu – Học viện Hành chính)

Bình luận về bài viết này

LUẬT KHÔNG NHIỀU KHIẾM KHUYẾT NHƯ THẾ NẾU QUỐC HỘI CÓ NHÂN VIÊN GIÚP VIỆC TẬN TÂM VÀ CHUYÊN GIA GIỎI BÊN NGOÀI

“Thực tế hoạt động của Quốc hội trong những năm qua cho thấy, Quốc hội nếu có các nhân viên giúp việc tận tâm và nếu tận dụng được một cách đúng đắn và công tâm các chuyên gia giỏi từ bên ngoài cùng với một phương thức hoạt động tốt, thì Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005… không thể có nhiều khiếm khuyết đến như thế. Việc xây dựng đội ngũ nhân viên không phải chỉ là khâu tuyển dụng, mà cốt lõi là ở vấn đề cố gắng giữ lấy người làm được việc và khuyến khích họ nghiên cứu, phổ biến kiến thức và thực hành công việc. Còn việc tìm kiếm đội ngũ cộng tác viên cốt yếu ở chỗ đừng lấy thân quen, cùng quan điểm sống mà mời hợp tác. Trước tiên cần có danh sách những chuyên gia có khả năng thực, không kể đến thân hữu, địa vị, bằng cấp xếp theo lĩnh vực chuyên môn. Bất cứ dự luật nào hay dự kiến chính sách nào đều phải được các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn cho ý kiến. Tất nhiên các chuyên gia cần phải cọ xát với nhau trước khi đưa ra ý kiến chính thức”

TS. Ngô Huy Cương, “Điều trần uỷ ban của Quốc hội và sự cần thiết tiếp nhận chế định này ở Việt Nam”, Nghiên cứu lập pháp, số 6 (191) tháng3/2011, tr. 5-10, 20

(TS. Ngô Huy Cương – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)  

Bình luận về bài viết này

VỤ CHỨA VÀ MÔI GIỚI MẠI DÂM CHO NGƯỜI HÀN QUỐC: TOÀ PHÚC THẨM SAI LẦM NGHIÊM TRỌNG

Khoảng tháng 4-2006, Công ty TNHH Trung Thuỷ do Đỗ Văn Kiên làm giám đốc mở chi nhánh tại tỉnh Quảng Ninh. Vũ Thị Hải được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh. Công ty TNHH Trung Thuỷ có thuê một phần khách sạn Vân Hải tại phường Bãi Cháy, mở nhà hàng karaoke Vân Hải và giao cho Seo Song Sue (người Hàn Quốc) kinh doanh karaoke. Cuối năm 2006, Sue kết hợp với Trần Thị Vân (do Sue và Hải tuyển dụng) hoạt động mại dâm. Sue và Vân đã tuyển nhiều nhân viên nữ chủ yếu phục vụ khách Hàn Quốc.

Tháng 4-2007, Seo Song Sue thuê xe ô tô của anh Nguyễn Viết Cương để làm phương tiện đi lại, thuê Ngô Thái Dần lái xe đưa đón khách đến các nhà nghỉ để thực hiện việc mua bán dâm. Cuối tháng 5-2007, Seo Song Sue về Hàn Quốc nên Sue thuê Hwang Sang Won làm quản lý nhà hàng karaoke Vân Hải. Won đã cùng Vân điều hành quán karaoke và tổ chức cho khách mua bán dâm. Khi có khách, Vân điện thoại cho nhà nghỉ đặt phòng, Dần lái xe ô tô đưa khách đến nhà nghỉ để mua bán dâm (mỗi lần thu từ 50USD đến 150 USD). Tối 07-7-2007, Kim Byung Sig và Kim Kyeong Rok đến quán karaoke đặt vấn đề với Vân mua dâm qua đêm cho 11 khách Hàn Quốc với giá 120 USD/người. Won đã bố trí Dần lái xe ô tô chở 11 khách Hàn Quốc đến nhà nghỉ Hoàng Thịnh của Trần Thị Thu Bình và nhà nghỉ Lan Anh của Đoàn Thị Anh để mua bán dâm. Bình đã bố trí năm phòng để năm đôi nam nữ mua bán dâm. Đoàn Thị Anh đã bố trí ba phòng để ba đôi nam nữ mua bán dâm.

Khoảng 0 giờ 15 phút ngày 08-7-2007, Cơ quan công an đã bắt quả tang các đôi nam nữ đang mua bán dâm nói trên.

Trần Thị Vân hiện bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã. Seo Song Sue đã về Hàn Quốc, nên Cơ quan điều tra không xác minh làm rõ được hành vi của Sue. Vũ Thị Hải hiện không xác định được nơi cư trú, Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Nguyễn Viết Cương cho Seo Song Sue thuê xe, nhưng không biết Sue sử dụng xe để phục vụ khách mua dâm nên Cơ quan điều tra đã trả xe ô tô này cho anh Cương.

Bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt Trần Thị Thu Bình 4 năm tù, Đoàn Thị Anh 5 năm tù về tội chứa mại dâm. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn xử phạt Ngô Thái Dần 3 năm tù, trục xuất Hwang Sang Won về tội môi giới mại dâm.

Toà Phúc thẩm TANDTC đã xử phạt Trần Thị Thu Bình và Đoàn Thị Anh 36 tháng tù và cho hưởng án treo.

Khi xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nhận thấy: hành vi phạm tội của Trần Thị Thu Bình và Đoàn Thị Anh là nghiêm trọng, bởi lẽ, các bị cáo đã sử dụng chính nhà nghỉ của mình chứa mại dâm nhiều lần, đối tượng mua dâm đều là người nước ngoài (Hàn Quốc). Khi bị bắt quả tang ngày 08-7-2007, tại nhà nghỉ Hoàng Thịnh của bị cáo Trần Thị Thu Bình có 5 đôi nam nữ đang mua bán dâm; tại nhà nghỉ Lan Anh của bị cáo Đoàn Thị Anh có 3 đôi nam nữ đang mua bán dâm. Ngoài ra, các bị cáo còn khai nhận trước đó đã thực hiện việc chứa mại dâm. Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Bình (các điểm p và s khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS), bị cáo Anh (khoản 2 Điều 46 BLHS) và nhân thân các bị cáo để xử phạt bị cáo Bình 4 năm tù, bị cáo Anh 5 năm tù là tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Tại phiên toà phúc thẩm, mặc dù các bị cáo được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 (đối với bị cáo Bình); các điểm p, o và s khoản 1 Điều 46 BLHS (đối với bị cáo Anh), nhưng xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, thì hành phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với các bị cáo là đúng và cần thiết đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm ở địa phương. Toà án cấp phúc thẩm giảm hình phạt và cho các bị cáo Bình, Anh hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.

Vì vậy, bản án phúc thẩm về phần hình phạt đối với Trần Thị Thu Bình và Đoàn Thị Anh bị huỷ để xét xử lại ở cấp phúc thẩm.

Theo Quyết định giám đốc thẩm số 10/2010/HS-GĐT ngày 05-4-2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Bình luận về bài viết này

ĐA SỐ NÔNG DÂN PHẢI CHẤP NHẬN BỒI THƯỜNG “ĐẤT BẰNG TIỀN”

“Một trong các phương thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là được bồi thường bằng đất có cùng mục đích, nghĩa là được bù đắp bằng diện tích đất nông nghiệp khác để tiếp tục sử dụng.

Tuy nhiên, quy định này nếu áp dụng khi Nhà nước thu hồi đối với đất nông nghiệp trồng lúa nước là hoàn toàn không có cơ sở thực tế, quy định này thực chất chỉ tồn tại ở dạng chủ trương và hình thức mà thôi. Khẳng định như vậy là vì hiện nay, quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước với nguyên tắc giao, cho thuê theo hiện trạng và căn cứ vào số lượng nhân khẩu hiện có tại địa phương để cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân chia cho các hộ gia đình và cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài (với thời hạn 20 năm hoặc 50 năm) thì quỹ đất nông nghiệp này ở các địa phương dường như đã được phân chia hết, không còn đất trống hoặc đất dự trữ. Cùng với quy định của pháp luật hiện hành về quyền được sử dụng đất ổn định, lâu dài, hết thời hạn mà người sử dụng đất có nhu cầu thì xin gia hạn tiếp; người sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp khi chết được để thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc hoặc theo pháp luật (Khoản 1 Điều 67, khoản 5 Điều 113 và khoản 2 Điều 114 Luật đất đai năm 2003)… thì sự xáo trộn trong quan hệ ruộng đất của người nông dân thường ít khi xảy ra (trừ khi Nhà nước thu hồi đất cho các mục đích khác). Điều đó rõ ràng rằng quỹ đất nông nghiệp có khả năng đưa vào khai thác và sử dụng ở các địa phương thì đã được chính quyền địa phương tổ chức giao và cho thuê hết, không còn diện tích trống. Vì vậy, nếu Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác thì việc áp dụng phương thức bồi thường “đất bằng đất” nêu trên cho người nông dân có đất bị thu hồi chỉ còn cách là người nông dân từ các xã đồng bằng di dân lên các tỉnh trung du và miền núi – nơi mà quỹ đất nông nghiệp dự trữ, hoặc quỹ đất trống, đồi núi trọc được quy hoạch phát triển nông nghiệp có thể còn. Song, đây lại không phải là điều mà người dân mong muốn và lựa chọn, bởi di chuyển chỗ ở là xáo trộn cuộc sống, hơn nữa quỹ đất giao mới sẽ không thể có vị trí khai thác thuận lợi và khả năng canh tác tốt bằng đất mà Nhà nước thu hồi. Như vậy, với phương thức bồi thường “đất bằng đất” trong trường hợp này hoàn toàn chỉ mang tính hình thức mà không áp dụng được trong thực tế. Đa số người nông dân phải chấp nhận (chứ không phải là lựa chọn) phương thức bồi thường “đất bằng tiền” mặc dù nhu cầu của họ rất cần đất để canh tác”.

TS. Nguyễn Thị Nga, “Những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng các phương thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất”, Tạp chí Luật học, số 5/2011, tr. 14 – 20.

(TS. Nguyễn Thị Nga – Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội)

Bình luận về bài viết này

TOÀ ÁN CẤP HUYỆN LUÔN CÓ “NGUY CƠ” BỊ CAN THIỆP TỪ NHIỀU PHÍA

“Theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 thì Toà án nhân dân cấp huyện có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương. Chánh án Toà án nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp. Trong thực tiễn, Toà án nhân dân cấp huyện thường bị coi là đơn vị hành chính cấp “Phòng” của Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Chính vì vậy, hoạt động xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện luôn đứng trước “nguy cơ” bị chỉ đạo, bị can thiệp từ nhiều phía”.

Nguyễn Minh Sử, “Đổi mới công tác Đảng tại các Toà án nhân dân cấp huyện, đảm bảo tính độc lập trong hoạt động xét xử”, Tạp chí Toà án nhân dân, số 13 tháng 7/2011, tr. 1-3 và 11

(Nguyễn Minh Sử- Trưởng phòng, Thẩm tra viên chính Toà án nhân dân tối cao)

Bình luận về bài viết này

CẦN QUY ĐỊNH RÕ RÀNG, HỢP LÝ THỜI ĐIỂM TÍNH THỜI HẠN TẠM GIỮ

“Pháp luật quy định thời hạn tạm giữ được tính kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm (Khoản 3 Điều 2 Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ số 162/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định của Chính phủ số 19/2009/NĐ-CP ngày 19/2/2009). Giả sử trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện bởi người không có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ nhưng người đó cho rằng cần áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính để ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm hoặc cần thu thập, xác minh các tình tiết quan trọng làm căn cứ xử lí vi phạm hành chính nên đã bắt giữ, dẫn giải người vi phạm đến người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ. Nếu người có thẩm quyền ra quyết định thấy cần tạm giữ thì ra quyết định tạm giữ và người vi phạm sẽ bị tạm giữ tại nơi tạm giữ. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu giữ người được xác định như thế nào là điều quan trọng nhưng pháp luật lại không quy định rõ. Đó có thể là thời điểm người phát hiện hành vi vi phạm hành chính bắt giữ người vi phạm hay có thể là thời điểm người vi phạm thực tế bị tạm giữ tại nơi tạm giữ. Nếu tính thời hạn tạm giữ bắt đầu từ thời điểm người vi phạm bị bắt giữ thì có điểm hợp lí là từ thời điểm đó người bị bắt giữ đã bị hạn chế quyền tự do và việc bắt giữ này có tác dụng ngăn chặn, đình chỉ hành vi vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu tính thời hạn tạm giữ như vậy thì cũng có điểm không hợp lí vì khi chưa có quyết định tạm giữ thì chưa thể thực hiện biện pháp tạm giữ đối với người vi phạm và nếu người bắt giữ cho rằng cần phải tạm giữ nhưng người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ xét thấy không cần phải tạm giữ thì cần phải hiểu như thế nào về khoảng thời gian từ khi người vi phạm bị bắt giữ đến khi người có thẩm quyền quyết định không tạm giữ. Nếu tính thời hạn tạm giữ từ thời điểm người vi phạm bị tạm giữ tại nơi tạm giữ thì hợp lí ở chỗ thời điểm đó mới thực sự là thời điểm bắt đầu thi hành quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, trên thực tế, người vi phạm đã bị hạn chế tự do ngay từ khi bị bắt giữ. Trường hợp thời gian từ khi bắt giữ đến khi ra quyết định tạm giữ kéo dài do phải dẫn giải người vi phạm đi xa chẳng hạn thì tổng thời gian thực tế người vi phạm bị hạn chế tự do có thể kéo dài hơn thời hạn tạm giữ do pháp luật quy định. Điều đó sẽ ảnh hưởng bất lợi đến quyền tự do của công dân. Hơn nữa, trường hợp việc tạm giữ chỉ nhằm mục đích ngăn chặn, đình chỉ hành vi vi phạm hành chính và mục đích này đã đạt được trước khi có quyết định tạm giữ nên không cần ra quyết định tạm giữ nữa thì việc giữ người trong trường hợp này được coi là biện pháp cưỡng chế hành chính nào. Cả hai cách tính thời hạn nói trên đều có điểm không thoả đáng và nếu thời điểm tính thời hạn tạm giữ không được hiểu một cách thống nhất thì khó tránh khỏi áp dụng tuỳ tiện, xâm phạm quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, pháp luật cần quy định rõ ràng, hợp lí thời điểm bắt đầu tính thời hạn tạm giữ. Nên chăng, quy định thời hạn tạm giữ tính từ thời điểm thực sự giữ người tại nơi tạm giữ và quy đổi khoảng thời gian từ khi người vi phạm bị bắt giữ đến khi thực sự tạm giữ với hệ số nhất định để tính vào thời hạn tạm giữ, ví dụ 2 giờ trong khoảng thời gian đó được trừ đi 1 giờ tạm giữ”.

 TS. Bùi Thị Đào, “Vấn đề bảo đảm quyền công dân trong pháp luật về tạm giữ người theo thủ tục hành chính”, Tạp chí Luật học, số 4/2011, tr. 24 – 29

Bình luận về bài viết này

CÓ NÊN CẤM NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ ĐƯA ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG VÀO NƠI TẠM GIỮ?

Khoản 2 Điều 4 quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính quy định người bị tạm giữ không được đưa vào nơi tạm giữ vũ khí, điện thoại di động, văn hoá phẩm độc hại, rượu bia và các chất gây nghiện khác hoặc các vật dụng có thể gây cháy nổ, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn nơi tạm giữ. Các vật dụng nói trên có loại thì việc sử dụng là bất hợp pháp, có loại việc đưa vào nơi tạm giữ sẽ không bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, nơi tạm giữ và những người khác nên việc cấm đưa vào nơi tạm giữ là đúng. Tuy nhiên, đối với điện thoại di động thì cơ sở lí luận và thực tiễn của việc cấm mang vào nơi tạm giữ là vấn đề cần bàn. Điện thoại di động hiện nay là phương tiện thông tin liên lạc rất thông thường của hầu hết mọi người. Nếu sử dụng bình thường thì hoàn toàn vô hại, thậm chí người bị tạm giữ có thể tự thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức quản lí họ biết họ đang bị tạm giữ để người ra quyết định tạm giữ không cần phải thông báo việc tạm giữ. Trong một số trường hợp người bị tạm giữ có những công việc phải giao dịch, giải quyết qua điện thoại, nếu không cho họ sử dụng điện thoại thì sẽ ảnh hưởng bất lợi đến công việc của họ và có thể cả công việc của cơ quan, tổ chức của họ nữa. Sự ảnh hưởng này là không đáng có và nằm ngoài mục đích tạm giữ. Vì vậy, việc cấm mang điện thoại di động vào nơi tạm giữ hay chỉ cấm mang trong những trường hợp nhất định cần phải được cân nhắc lại để không gây những tác động không mong muốn trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ người.

TS. Bùi Thị Đào, “Vấn đề bảo đảm quyền công dân trong pháp luật về tạm giữ người theo thủ tục hành chính”, Tạp chí Luật học, số 4/2011, tr. 24 – 29

Bình luận về bài viết này

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ KIỂM TRA TÍNH HỢP HIẾN, HỢP PHÁP CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN NGANG BỘ (NGUYỄN THỊ PHƯỢNG)

Đoạn trích trong bài:

“… Một số văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái với các quy định của Hiến pháp và pháp luật trong thời gian qua

Ngày 5/12/2001, Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 4127/2001/QĐ-BGTVT ban hành “Quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô”. Theo quy định tại khoản 7 Điều 9 của Quyết định này, các doanh nghiệp được thông báo tuyến vận tải khách cố định, trong quá trình khai thác không vi phạm nội quy hoạt động và các quy định khác của pháp luật thì cũng chỉ được khai thác trong thời hạn bảy năm, được gia hạn thêm năm năm tiếp theo. Hết thời hạn này, doanh nghiệp phải đăng ký lại mới được kinh doanh. Quy định này đã hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, gây phiền hà cho doanh nghiệp và cũng không phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 1999 và Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Theo Điều 6, Luật Doanh nghiệp năm 1999 thì doanh nghiệp được tự chủ đăng ký và thực hiện kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Luật này cũng không quy định doanh nghiệp được hoạt động trong thời gian bao lâu; doanh nghiệp chỉ bị thu hồi giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh trong những trường hợp vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 121 Luật Doanh nghiệp (tr.21). Điều 12 của Quyết định 4127/2001/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải còn quy định, khi doanh nghiệp ngừng khai thác “phải có đơn gửi cơ quan quản lý tuyến…”. Quy định này cũng không phù hợp với Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định tại Điều 10, Điều 5 của Nghị định này, khi bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi doanh nghiệp đã đăng ký và khi tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp chỉ cần thông báo bằng văn bản cho phòng đăng ký kinh doanh.

Điều 2 IV Thông tư số 29/2001/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin (ban hành ngày 05/6/2001) hướng dẫn thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001-2005 quy định: hàng hóa nhập khẩu là các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh lịch) phải được Bộ Văn hóa – Thông tin phê duyệt nội dung và kế hoạch nhập khẩu trước khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu. Trong khi đó, theo bản Phụ lục 3 được ban hành kèm theo Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đối với các loại ấn phẩm và tác phẩm điện ảnh nhập khẩu thì chỉ phê duyệt nội dung. Việc Thông tư 29/2001/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin quy định phải phê duyệt cả kế hoạch là không phù hợp với tinh thần của Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.[1]

Thông tư số 02 ngày 13/01/2003 của Bộ Công an hướng dẫn cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới có quy định: “mỗi người chỉ được đăng ký một mô tô hoặc một xe gắn máy”. Thông tư này không những trái với Bộ luật dân sự (vì theo Bộ luật này thì tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị) mà còn bất hợp hiến vì Điều 58 cuả Hiến pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản của công dân.[2]

Quyết định số 34/2008/QĐ-BYT về Tiêu chuẩn sức khỏe của người tham gia giao thông của Bộ Y tế là một văn bản pháp luật có nhiều vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung. Điểm bất hợp lý dễ thấy nhất và bị dư luận phản bác nhiều nhất là quy định những người cao chưa đủ 1,45m, cân nặng chưa tới 40kg hoặc vòng ngực trung bình dưới 72cm… thì không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50 – 175 cm3. Rõ ràng việc đưa ra tiêu chuẩn cấm lái xe gắn máy đối với những người có thể hình nhỏ bé, khiêm tốn đã làm hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện giao thông. Mặt khác, tạo ra sự phân biệt đối xử không cần thiết đối với những công dân có thể hình nhỏ bé. Hơn nữa, việc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn là không bảo đảm yêu cầu về cải cách hành chính. Từ đó có thể gây phiền hà cho người dân cũng như dễ dẫn đến tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khỏe để cấp bằng lái xe.

Quyết định số 34/2008/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành cũng không đúng thẩm quyền, vì Điều 55 của Luật Giao thông đường bộ có quy định: Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe và quy định việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Đồng thời, căn cứ vào Công văn số 1992/TTg-CN ngày 21-12-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành xe ba bánh, xe cơ giới cho người tàn tật thì “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện sức khỏe, mức độ bị hạn chế về vận động của người tàn tật được phép sử dụng xe cơ giới cho người tàn tật”. Như vậy quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ phải do liên bộ, liên tịch ban hành mới là hợp lệ (tr.22)…[3]

Giải pháp nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

… Việc thừa nhận chế độ giám sát tư pháp đối với các quyết định hành chính là một bước đi ban đầu trước khi chúng ta tiến đến “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp” theo chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ X. Hiện thời, người dân nước ta chưa có thói quen viện dẫn Hiến pháp để bảo vệ mình trước Tòa án cũng như Tòa án hiếm khi viện dẫn đến Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Do đó, việc trước tiên cần phải làm là cho người dân quyền được khiếu nại Hiến pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan hành chính ban hành và quyền của Tòa án được giải thích Hiến pháp và đưa ra phán quyết trong trường hợp có khiếu nại Hiến pháp.

Nếu một công dân bình thường có thể khiếu kiện những văn bản quy phạm pháp luật bất hợp hiến hay bất hợp pháp ra Tòa án thì điều đó cũng có nghĩa tính pháp chế và tính dân chủ trong xã hội đã được tăng cường, bởi lẽ việc làm đó sẽ giúp tránh được những mâu thuẫn giữa văn bản pháp quy với Hiến pháp, luật và giữa văn bản pháp quy với các loại văn bản khác. Đồng thời, tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật sẽ không chỉ tồn tại trong văn bản mà nó sẽ bị giám sát thực tế bởi nhân dân – những người bị tác động trực tiếp bởi các văn bản hành chính (tr.24)…”

Nguyễn Thị Phượng, “Đổi mới cơ chế kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”, Nghiên cứu lập pháp, số 7 (192) 4/2011, tr. 21 – 25, 41

(Nguyễn Thị Phượng – Trung tâm Luật so sánh, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội)


[1] Số chuyên đề về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ tư pháp.

[2] Hiện tại, Thông tư này đã được bãi bỏ.

[3] Làm luật sai – Xử lý thế nào? http://www.cand.com.vn

Bình luận về bài viết này

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI CÁC NỘI DUNG CỦA HIẾN PHÁP NĂM 1992 (ThS. TRẦN VIỆT DŨNG)

Đoạn trích trong bài:

Một số quy định của Hiến pháp chưa phù hợp với định hướng đổi mới bộ máy nhà nước

… Điều 2 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, nhưng cơ quan nào là cơ quan hành pháp, cơ quan nào là cơ quan tư pháp thì Hiến pháp vẫn chưa quy định rõ…

… Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra chủ trương xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có quy định nào của Hiến pháp về việc thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện bảo vệ Hiến pháp, bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành cũng như hoạt động của các cơ quan nhà nước đó. Chính vì vậy, có một số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, một số quyền hiến định của công dân bị vi phạm, nhưng chưa được xử lý kịp thời (tr.12)…

… Về vấn đề đổi mới vị trí, vai trò của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Chính trị từng ra kết luận là từ 2010 phải chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng Trung ương, nằm ngoài Chính phủ, độc lập quyết định chính sách tiền tệ giống như các nước theo thể chế kinh tế thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, “chủ trương này vượt ra khỏi quy định của Hiến pháp hiện hành”.[1]

Chưa có quy định cụ thể về thủ tục sửa đổi Hiến pháp

… Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp, Điều 147 của Hiến pháp hiện hành chỉ quy định ngắn gọn như sau: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”. Như vậy, Hiến pháp hiện hành chưa quy định chủ thể có quyền kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, chủ thể thành lập ban soạn thảo Hiến pháp, vai trò của nhân dân trong quá trình sửa đổi Hiến pháp…

Một số quy định của Hiến pháp hiện hành không có tính khả thi, không thể thi hành trong thực tế

Điều 53 Hiến pháp hiện hành quy định “công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”, khoản 14 Điều 84 quy định: Quốc hội có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân, khoản 12 Điều 91 quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thẩm quyền “tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội”, nhưng trên thực tế, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định quy trình thực hiện việc tổ chức trưng cầu ý dân và do đó, chưa một lần nào Quốc hội thực hiện thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân của mình và UBTVQH thực hiện thẩm quyền tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Khoản 7 Điều 84 Hiến pháp hiện hành quy định, Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn “bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”(tr.13). Để thực hiện quyền hiến định này, Điều 12 Luật Tổ chức Quốc hội có quy định: “UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. UBTVQH xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội”. Tuy nhiên, quy định này không có tính khả thi vì không thể có được hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội cùng một lúc công khai kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm… Mặt khác, cũng chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể trình tự, thủ tục Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi UBTVQH trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định công dân có quyền lập hội, biểu tình… theo quy định của pháp luật, nhưng cho đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện những quyền hiến định nêu trên của công dân (tr.14)…”

ThS. Trần Việt Dũng, “Kiến nghị sửa đổi các nội dung của Hiến pháp năm 1992”, Nghiên cứu lập pháp, số 7 (192) 4/2011, tr. 12 – 15

(ThS. Trần Việt Dũng, Phó Trưởng Khoa Luật – Đại học Huế)


[1] Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh Online, ngày 18/04/2009.

Bình luận về bài viết này

TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP – QUỐC HỘI DÂN CHỦ, LẬP HIẾN

Bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (nguồn: thanhkhedong.gov.vn)

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền trung ương của Nhà nước ViệtNamdân chủ cộng hoà mới chỉ có Chính phủ lâm thời (thành lập từ Quốc dân đại hội Tân Trào). Do đó, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp.

Ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh quyết định tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội.

Nhiều người có tài, có đức ra ứng cử hoặc được giới thiệu ứng cử. Nhân dân sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng làm đại biểu quốc hội.

Ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp kiểm tra lần cuối công việc tổng tuyển cử.

Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu.

Ngày 6/1/1946 cuộc tổng tuyển cử được tiến hành. Ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh, 42 cán bộ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ vận động bầu cử. Cả nước có khoảng 90% cử tri đi bỏ phiếu.

Kết quả, 333 đại biểu trúng cử, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ, 34 đại biểu các sắc tộc ít người. Chủ tịch Hồ Chí Minh được hơn 98% số phiếu bầu.

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (nguồn: vi.wikipedia.org)

Ngày 2/3/1946, Quốc hội họp kì đầu tiên tại Hà Nội, với sự có mặt của gần 300 đại biểu. Một số đại biểu Nam Bộ và Nam Trung Bộ chưa đến kịp. Một số đại biểu bận công tác kháng chiến không ra họp. Trong kì họp đầu tiên, Quốc hội trịnh trọng cảm ơn Chính phủ lâm thời và tuyên bố Chủ tịch Hồ Chí Minh “xứng đáng với Tổ quốc”. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội thông qua danh sách 70 đại biểu (không qua bầu cử) của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội vào Quốc hội. Quốc hội bầu Uỷ ban dự thảo Hiến pháp và bầu các cơ quan cao cấp của Nhà nước trên cơ sở thoả thuận giữa các đảng phái trước kì họp, gồm:

1. Chính phủ chính thức được gọi là Chính phủ liên hiệp kháng chiến, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

2. Ban thường trực Quốc hội, gồm Trưởng ban (Nguyễn Văn Tố), các uỷ viên chính thức và một số uỷ viên dự khuyết.

3. Kháng chiến uỷ viên hội có chức năng chuyên lo việc kháng chiến, gồm Chủ tịch (Võ Nguyên Giáp) và các thành viên khác.

4. Cố vấn đoàn, do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại, đại biểu Quốc hội được bầu) làm Đoàn trưởng.

Kể từ lúc khai mạc đến khi bế mạc, Quốc hội chỉ họp trong vòng 4 giờ. Đây là kì họp lịch sử, khẩn trương trong thời gian ngắn nhất, giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là thành lập Chính phủ chính thức và các cơ quan quan trọng khác của Nhà nước.

Kì họp thứ hai của Quốc hội diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 9/11/1946 tại Hà Nội. Dự họp có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ vì công việc kháng chiến không ra được. Trong số đại biểu dự họp chỉ có 37 đại biểu Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội vì những đại biểu của hai đảng này đã đào nhiệm khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam. Công chúng được vào dự thính kì họp, có quyền chất vấn, khen chê Chính phủ. Tại kì họp lần này, Quốc hội đã điểm lại và đánh giá công tác của Quốc hội, Chính phủ liên hiệp kháng chiến; thông qua thành phần mới của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, vì một số thành viên trước đó của Chính phủ là người của Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã tự đào nhiệm. Tại kì họp này Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam.

Bình luận về bài viết này